Trang chủTin tứcCước vận tải bất động dù xăng dầu đã 4 lần giảm giá

Cước vận tải bất động dù xăng dầu đã 4 lần giảm giá

#Tin tức 13/12/2018 875 lượt xem

Cước vận tải bất động dù xăng dầu đã 4 lần giảm giá

ANTD.VN - Giá xăng đã liên tiếp giảm 4 lần, trong đó lần gần đây nhất giảm sâu hơn 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, cước vận tải vẫn “án binh bất động”.

Quá nhiều lý do để không giảm cước

Đến thời điểm này, cước vận tải khách và taxi đều không có dấu hiệu giảm dù cho giá xăng dầu đã bốn lần giảm liên tiếp. Các hãng đưa ra với nhiều nguyên nhân khác nhau về việc không giảm cước như thời gian điều chỉnh giá xăng dầu quá ngắn, vận tải không theo kịp hoặc trước đó xăng tăng giá nhưng cước taxi không tăng…

Đại diện taxi Mai Linh, ông Hồ Quốc Phi thông tin, do 6 lần trước đó, dù giá xăng tăng khá mạnh nhưng taxi Mai Linh giữ nguyên giá cước không tăng, cho nên thời gian gần đây, dù giá xăng đã 4 lần giảm liên tiếp nhưng hãng cũng không thể giảm giá cước.

cuoc van tai bat dong du gia xang giamCước vận tải không giảm dù xăng dầu đã giảm 4 lần liên tiếp

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp vận tải phải mất nhiều thời gian và chi phí. Trước hết, các hãng phải chờ giá xăng, dầu giảm với biên độ đủ rộng mới họp các thành viên trong hiệp hội để thống nhất khung giảm giá chung.

Cụ thể, taxi sẽ phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền; vận tải khách phải in vé và phát hành lại. Trong vận tải hàng hóa do hợp đồng với chủ hàng đã được ký trước theo thời gian dài, khi điều chỉnh giá cước phải đàm phán với chủ hàng.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, theo Luật Giá, Nhà nước điều hành giá thông qua quỹ bình ổn hoặc quy định một số loại giá dịch vụ. Tuy nhiên, giá cước vận tải không nằm trong danh mục này mà theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự định giá của tổ chức, cá nhân.

Đại diện các doanh nghiệp vận tải taxi đều cho rằng, dù xăng dầu đã giảm bốn lần liên tiếp nhưng ba lần trước đó đều giảm rất nhỏ giọt, chỉ có lần điều chỉnh vào ngày 6-12 vừa qua mới có mức hơn 1.000 đồng/lít. Hơn nữa, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần cũng gây khó cho các doanh nghiệp nếu muốn điều chỉnh giá cước vận tải.

Ông Hồ Quốc Phi cho rằng, nếu giá xăng biến động nhiều, cứ 15 ngày thay đổi một lần, người tiêu dùng sẽ rất hoan nghênh còn các doanh nghiệp taxi sẽ chịu ảnh hưởng lớn, coi như mất đứt một ngày không kinh doanh, chưa kể phải tốn kinh phí thuê kiểm định phá kẹp chì đồng hồ.

Không công bằng với người tiêu dùng

“Với xăng dầu, tăng và giảm giá nên có mức độ thích hợp, không nên tăng vài nghìn đồng nhưng chỉ giảm vài trăm đồng. Doanh nghiệp vận tải mong muốn ổn định chu kỳ tăng giảm giá xăng dầu. Chúng tôi đang nghiên cứu cách hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước sao cho phù hợp với các biến động từ giá xăng dầu trong thời gian tới”- ông Nguyễn Văn Quyền cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu chiếm khoảng trên 30% giá cước vận tải. Thế nên, khi xăng dầu giảm giá mà cước không giảm khiến người tiêu dùng cảm thấy bị “móc túi” 2 lần. Bởi, giá cả những mặt hàng liên quan khác cũng vin vào cước vận tải để “neo” giá theo. Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải, số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và số lợi nhuận về người kinh doanh không hề nhỏ. Đây là hành vi ứng xử không công bằng với người tiêu dùng.

“Doanh nghiệp vận tải không bao giờ “lấy đá ghè chân mình” nên họ không bao giờ tự hạ giá. Khi yêu cầu giảm, doanh nghiệp chắc chắn vin nhiều lý do giải thích cho việc chưa hoặc không giảm giá cước. Song những lý do doanh nghiệp đưa ra là không hợp lý. Bởi thực tế không ai có thể chối bỏ được là khi giá xăng tăng lập tức doanh nghiệp tăng giá cước”- chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, cũng cần xem lại cơ chế quản lý của Nhà nước hiện nay với lĩnh vực này. Dù giá cước do doanh nghiệp vận tải tự định giá và điều tiết theo cơ chế thị trường. Thế nhưng, khi thị trường có khiếm khuyết, bất hợp lý, Nhà nước phải điều tiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy không bắt được doanh nghiệp giảm giá cước, nhưng có thể dùng biện pháp kiểm tra lợi nhuận để yêu cầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức cao…

Cùng đó, các doanh nghiệp vận tải cũng nên vì lợi ích, chia sẻ trách nhiệm cũng như chăm lo an sinh xã hội với Nhà nước và cộng đồng. Trước hết là hành động nhỏ như giảm giá cước khi có biến động về giá xăng dầu để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Theo: anninhthudo.vn

Nhà tài trợ

Đánh giá xe tải Đô Thành IX65 Gold

Tin mới

Xem nhiều nhất

Tổng đại lý xe ben Việt Nam
  • Showroom 1: 466 Quốc Lộ 1A, Phường An Phú Đông, Quận 12, Tp Hồ Chí Minh
  • Showroom 2: Đường Thuận An Hòa, Phường Thuận Giao, TP Thuận An, Tỉnh Bình Dương
  • Website: xeben.com.vn
TOP